Cuộc thi “Đọc truyện diễn cảm bằng tiếng Nhật - Lần thứ nhất

Cuộc thi “Đọc truyện diễn cảm bằng tiếng Nhật - Lần thứ nhất "

Sáng 06/05/2018, tại Hà Nội, Trường Đại học Hà Nội đã phối hợp cùng Nihongo Salon (Nhật Bản) tổ chức vòng chung kết cuộc thi “Đọc truyện diễn cảm bằng tiếng Nhật - Lần thứ nhất”.

Vòng chung kết cuộc thi có sự hiện diện của cô Nguyễn Thị Cúc Phương – Phó hiệu trưởng trường Đại học Hà Nội, bà Chuman Ai – Bí thư thứ 2 Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, ngài Ando Toshiki – Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam; và đại diện của các nhà tài trợ: Trung tâm Ngôn ngữ - Văn hóa Nhật Bản và Phát triển hợp tác (CCJLC), Công ty CP Clay VietNam, Morita Group, NXB Manyo-sha.

      Mở đầu diễn văn khai mạc vòng chung kết cuộc thi, cô Nguyễn Thị Cúc Phương – Phó hiệu trưởng trường Đại học Hà Nội đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ càng, sự hoàn thiện về chuyên môn của Trung tâm Ngôn ngữ - Văn hóa Nhật Bản và Phát triển hợp tác (CCJLC), cùng Nihongo Salon (Nhật Bản) trong việc phối hợp tổ chức tập huấn, giúp các thí sinh tham gia cuộc thi hoàn thiện về các kỹ năng đọc truyện, kỹ năng đứng trên sân khấu. Vì thế, sự kiện này không đơn thuần chỉ là một cuộc thi, mà còn là một sân chơi bổ ích để các thí sinh đến giao lưu và học hỏi.

Cô Nguyễn Thị Cúc Phương – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội

mở đầu diễn văn khai mạc cuộc thi


       Tới dự lễ khai mạc cuộc thi, Bà Chuman Ai – Bí thư thứ 2 Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng cuộc thi là một sự kiện vô cùng thiết thực, có ý nghĩa đặc biệt trong năm 2018 - năm "Kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản và Việt Nam". Bà cho rằng tình hữu nghị, mối quan hệ giữa hai nước Việt - Nhật sẽ được thắt chặt, gắn bó hơn khi ngày càng có nhiều người Việt Nam thông thạo tiếng Nhật, am hiểu văn hóa Nhật Bản.

Bà Chuman Ai – Bí thư thứ 2 Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam

       Cũng trong diễn văn khai mạc, ngài Ando Toshiki – Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam đánh giá cao về tính thiết thực của cuộc thi đối với các bạn trẻ Việt Nam đang học tiếng Nhật. Ông cho rằng cuộc thi này hoàn toàn khác so với những cuộc thi hùng biện tiếng Nhật từng được tổ chức tại Việt Nam. Cuộc thi được phân thành từng trình độ: Sơ cấp, trung cấp và cao cấp để mọi đối tượng học tiếng Nhật đều có thể tham gia. Đến với cuộc thi, các thí sinh không chỉ thể hiện trình độ tiếng Nhật, mà còn có thể bày tỏ tình yêu, sự say mê với con người, văn hóa Nhật Bản thông qua những câu chuyện cổ tích.

Ngài Ando Toshiki  – Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam


Ban giám khảo cuộc thi được đánh giá cao về sự công tâm và sự hoàn thiện về mặt chuyên môn


     Cuộc thi “Đọc truyện diễn cảm bằng tiếng Nhật” được phát động từ tháng 01/2018, với sự tham gia của hơn 50 thí sinh. Các thí sinh tham gia cuộc thi không bị giới hạn về độ tuổi, vùng miền, chủ yếu đến từ rất nhiều trường THPT, trường THCS, trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Được biết, có những thí sinh dù còn rất nhỏ tuổi như Ngô Uyên Linh (10 tuổi), Nguyễn Tuấn Khang, Nguyễn Minh Hằng (12 tuổi) nhưng đã vô cùng tự tin đến tham gia cuộc thi, tranh tài cùng nhiều thí sinh khác. Không chỉ vậy, cuộc thi còn được nhiều bạn thí sinh yêu thích tiếng Nhật ở các vùng miền khác biết đến. Tại vòng chung kết, thí sinh Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - học sinh lớp 12 trường THPT Chuyên Quốc Học Huế, cũng đã vượt hàng trăm cây số từ miền Trung đến Hà Nội và hoàn thành xuất sắc phần thi của mình. Dù khác nhau về độ tuổi, vùng miền, nhưng khi đến với cuộc thi, những ranh giới ấy như hoàn toàn bị xóa mờ nhờ tình yêu với đất nước Nhật và niềm đam mê mãnh liệt với tiếng Nhật mà các thí sinh đã thể hiện.



Thí sinh Nguyễn Tuấn Khang dù chỉ mới 12 tuổi nhưng đã vô cùng tự tin đến tham gia cuộc thi, tranh tài cùng nhiều thí sinh khác.

 

Thí sinh Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - học sinh lớp 12 trường THPT Chuyên Quốc Học Huế hoàn thành xuất sắc phần thi của mình.


     Qua vòng sơ tuyển được tiến hành tổ chức vào thượng tuần tháng 04 năm 2018, ban giám khảo cuộc thi đã lựa chọn được 24 gương mặt xuất sắc nhất bước vào vòng chung kết. Mỗi gương mặt thí sinh đều mang một màu sắc riêng biệt, đều vô cùng tài năng và tự tin trên sân khấu. Nhờ vậy mà mỗi câu chuyện cổ tích như được mang một sức sống riêng qua giọng đọc truyền cảm và cách trình bày sáng tạo của mỗi bạn. Sau 24 phần thi, Ban tổ chức đã tìm ra 9 thí sinh xuất sắc nhất của lần lượt 3 trình độ: Sơ cấp, trung cấp và cao cấp.

    Ở cấp độ sơ cấp, thí sinh Đỗ Thế Duyệt đã có phần thể hiện vô cùng xuất sắc với câu chuyện “Chiếc ấm biết nhảy” và giành được giải Nhất. Nhờ sự hóa thân vào nhân vật một cách tài tình, Duyệt đã chiếm trọn tình cảm của khán giả có mặt tại hội trường của cuộc thi. Giải nhì của cấp độ này thuộc về chất giọng truyền cảm của thí sinh Đỗ Thanh Tâm. Bạn Nguyễn Tuấn Khang - một trong những thí sinh nhỏ tuổi nhất của cuộc thi cũng đã đạt giải ba cấp độ sơ cấp qua phần thi khá xuất sắc của mình.

Đại diện công ty Clay Vietnam trao giải cho các thí sinh trình độ Sơ cấp.

      Đối với cấp độ trung cấp, mặc dù dung lượng câu chuyện dài hơn và tính chất của câu chuyện cũng phức tạp hơn, nhưng dường như những thử thách này không làm khó các bạn thí sinh. Những câu chuyện cổ tích Nhật Bản như “Hạc trả ơn”, “Ông lão biết làm nở hoa”,… đã truyền tải được vẹn nguyên những thông điệp ý nghĩa thông qua phần trình bày xuất sắc của các thí sinh trung cấp. Vượt qua những phần thi xuất sắc khác, thí sinh Phạm Thị Thu Trang xuất sắc đạt giải Nhất ở cấp độ này, giải Nhì thuộc về thí sinh Nguyễn Thị Mỹ Hạnh – học sinh trường THPT Chuyên Quốc Học Huế, và giải Ba thuộc về thí sinh Phạm Hà Chi – học sinh trường THPT Chu Văn An (Hà Nội).

Bà Chuman Ai – Bí thư thứ 2 Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam trao giải cho các thí sinh xuất sắc nhất ở trình độ Trung cấp

            Đặc biệt, bên cạnh các câu chuyện cổ tích Nhật Bản, cuộc thi còn trở nên ý nghĩa hơn nhờ những câu chuyện cổ tích Việt Nam được các bạn thí sinh ở cấp độ cao cấp dịch ra tiếng Nhật và thể hiện qua giọng đọc truyền cảm của mình. Nhờ đó những câu chuyện cổ tích quen thuộc như được thổi vào một linh hồn mới mà vẫn giữ nguyên giá trị nhân văn vốn có. Cuộc thi cũng là một cơ hội quý giá để các thí sinh trình độ cao cấp vận dụng những kiến thức và kỹ năng dịch đã được lĩnh hội dưới mái trường đại học. Bằng bản dịch xuất sắc và giọng đọc truyền cảm, thí sinh Nguyễn Thu Hiền giành giải Nhất với “ Sự tích bông hoa cúc”, giải Nhì thuộc về bạn Nguyễn Thị Thuyên với “Sự tích Tấm Cám”, và giải ba của cấp độ này thuộc về “Sự tích Thánh Gióng” của thí sinh Vi Thị Lan.

 

Cô Phạm Thu Hương – Đại diện Trung tâm Ngôn ngữ - Văn hóa Nhật Bản và Phát triển hợp tác (CCJLC) trao giải cho các thí sinh xuất sắc nhất ở trình độ cao cấp

 

24 thí sinh xuất sắc nhất trong vòng chung kết cuộc thi “Đọc truyện diễn cảm bằng tiếng Nhật”


     “Đọc truyện diễn cảm bằng tiếng Nhật - Lần thứ nhất " là cuộc thi đọc truyện diễn cảm bằng tiếng Nhật đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội cũng như tại Việt Nam, do đó vẫn còn khá mới mẻ với nhiều người. Tuy nhiên, trường Đại học Hà Nội hy vọng rằng cuộc thi trong những năm tới đây sẽ thu hút hơn nữa sự quan tâm của người Việt học tiếng Nhật, trở thành một sân chơi lớn về tiếng Nhật ở Việt Nam!