Quỹ tưởng nhớ Matsushita Konosuke (Panasonic) - Tham quan học tập Nhật Bản

Quỹ tưởng nhớ Matsushita Konosuke (Panasonic) - Tham quan học tập Nhật Bản

Tháng 6 năm 2017 vừa qua, các bạn sinh viên khoa Nhật trường ĐH Hà Nội và thành viên CLB HANU CCJLC đã có cơ hội được đặt chân đến Nhật Bản tham quan học tập 11 ngày. Nhờ có sự hỗ trợ của Quỹ tưởng nhớ Matsushita Konosuke (Tập đoàn Panasonic) và Trung Tâm Ngôn ngữ - Văn hóa Nhật Bản và Phát triển hợp tác (CCJLC) (Trường ĐH Hà Nội), các bạn sinh viên đã vinh dự được đến xứ sở Mặt trời mọc xinh đẹp vẫn hằng mong ước bấy lâu nay, được tiếp xúc và trải nghiệm, học hỏi biết bao điều mới lạ mà vô cùng đặc sắc. Dưới đây là bài cảm nhận của các bạn sinh viên tham gia chương trình này.

 

"Vậy là chuyến đi tham quan học tập 11 ngày trên xứ sở Mặt trời mọc - do Quỹ tưởng nhớ Matsushita Konosuke tài trợ - của chúng tôi cũng đã kết thúc tốt đẹp. Trong 11 ngày vừa qua, chúng tôi đã được đặt chân tới đất nước xinh đẹp vẫn hằng mong ước bấy lâu nay, được tiếp xúc và trải nghiệm, học hỏi biết bao điều mới lạ mà vô cùng đặc sắc.

Trong 11 ngày vừa qua, chúng tôi đã có cơ hội được đến thăm Bảo tàng Matsushita Konosuke và tìm hiểu về người đã sáng lập ra Tập đoàn Panasonic, 1 trong những doanh nhân có ảnh hưởng bậc nhất đến sự phát triển của Nhật Bản. Trước khi tham gia chương trình này, chúng tôi đã từng tìm hiểu về ngài Matsushita Konosuke và tập đoàn Panasonic, nhưng đến khi được tận mắt chứng kiến và nghe giới thiệu, chúng tôi cảm thấy vô cùng ngưỡng mộ về con người ấy. Chỉ với 2 bàn tay trắng, ông đã đặt nền móng và gây dựng 1 tập đoàn Panasonic lớn mạnh như ngày nay. Chúng tôi ấn tượng với tinh thần làm việc hết mình bất kể tuổi tác cũng như phương châm luôn hướng đến khách hàng, đến người dân của ông. Ông đã tự phấn đấu đi lên bằng chính tài năng và nỗ lực của bản thân. Ông đã trở thành tấm gương sáng, thành biểu tượng cho bao lớp thanh niên Nhật Bản. Từ cuộc đời ông, chúng tôi đã đúc kết được cho mình rất nhiều bài học quý giá về lối sống, phương châm làm việc của ngài chủ tịch tập đoàn Panasonic cũng như của nhân viên tập đoàn.

Đoàn thăm quan Bảo tàng Matsushita Konosuke

Với ước mơ và niềm hi vọng mang lại sự ấm no, niềm hạnh phúc cho mọi người và góp phần tạo nên 1 thế giới tươi đẹp, Tập đoàn Panasonic đã đặt ra mục tiêu phấn đấu làm việc: “A better life, a better world”. Và đúng như mục tiêu hướng tới, những con người cần mẫn làm việc tại Panasonic đã cống hiến hết sức mình để tạo những sản phẩm hữu ích và tiện lợi cho đời sống. Những nhà nghiên cứu, những kĩ sư, những người công nhân nhà máy, đã luôn cố gắng tìm tòi, sáng tạo ra những sản phẩm tiện ích cho đời sống mà trước đây tôi cứ ngỡ nó chỉ có trong những bộ phim viễn tưởng. Đến thăm Trung tâm Panasonic tại Tokyo, chúng tôi đã đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, luôn trầm trồ, thán phục về đầu óc tư duy sáng tạo không tưởng của con người. Bạn đã bao giờ nghĩ đến việc có thể điều khiển mọi thứ trong nhà chỉ bằng giọng nói hay chỉ bằng những cử chỉ hành động rất nhỏ chưa? Nghe thấy thật hoang đường nhưng với Panasonic, điều đó là hoàn toàn có thể. Quả thật, nền công nghệ phát triển cao vượt bậc, nằm ngoài sức tưởng tượng của Nhật Bản đã khiến chúng tôi ngưỡng mộ, trầm trồ, chẳng dám tin vào mắt mình nữa. 1 cuộc sống tươi đẹp, hiện đại và tiện nghi trong tương lai sẽ nằm trong tầm tay

Cũng trong chuyến tham quan học tập này, chúng tôi cũng đã được tận mắt chứng kiến quy trình làm việc của  máy tái chế Panasonic. Tái chế, chúng ta có thể vừa tạo ra đồ dùng mới để vừa tiết kiệm nguyên vật liệu vừa bảo vệ môi trường. Từ những đồ dùng cũ hỏng, nhà máy đã tái chế thành sản phẩm mới với hiệu xuất cao. Điều đặc biệt ở đây là tuy là nhà máy tái chế nhưng mọi máy móc, đồ dùng được sắp đặt gọn gàng, xử lí đúng quy trình. Từ dây chuyền tháo gỡ sản phẩm có hệ thống đến công nghệ máy móc, tất cả đều được xử lý rất hiệu quả. Là nhà máy nhưng nhà máy tái chế này được xây dựng rất hiện đại, sử dụng công nghệ cao với những quy trình đạt chuẩn quốc tế nên không gây hề bụi bặm, nước thải độc hại gây ảnh hưởng đến khu vực dân cư xung quanh. Hơn thế, nhà máy cũng rất chú ý đến an toàn người lao động, xây dựng một môi trường làm việc hiệu quả. Vì vậy, sau buổi thăm quan nhà máy tái chế cũng như trụ sở chính của Panasonic, tôi càng tin tưởng hơn về chất lượng cũng như uy tín của tập đoàn có lịch sử hơn 100 năm này.

Trải nghiệm tháo các bộ phận 1 chiếc ti vi cũ

Với chủ đề của chuyến tham quan học tập là “Hòa bình”, chúng tôi đã được đến tham quan các di tích còn sót lại sau 2 ngày kinh hoàng Mĩ thả 2 quả bom nguyên tử “Little Boy” xuống Hiroshima (06.08.1945) và “Fat Man” xuống Nagasaki (08.08.1945). Chúng tôi đã từng nghe và tìm hiểu về sự kiện này, tuy nhiên, được đến nơi đây, được trực tiếp nhìn tận mặt những hiện vật, những bức ảnh, những lời giải thích chân thực, tôi đã có thể cảm nhận rõ ràng nỗi đau, sự mất mát của người Nhật. Qua những tư liệu chứng kiến tại bảo tàng, chúng tôi có thể mường tượng được cảnh tượng vô cùng kinh hoàng lúc đó: 2 quả bom như 2 quả cầu lửa khổng lồ mang theo sức ép đè bẹp mọi thứ. Bức xạ và sóng nén áp suất cao tỏa ra các phía. Trong phút chốc, các tòa nhà và xe cộ tan chảy. Thành phố tan thành tro bụi. Lửa cháy âm ỉ khắp nơi, nhà cửa đổ nát. “2 quả cầu lửa” thiêu sống hàng chục nghìn người và gia súc chỉ trong tích tắc. Xác người cháy rụi nằm la liệt. Máu người hòa lẫn vào với tro bụi, với lòng đất. Những cơn mưa mang theo khói bụi đen xì ập đến. Tất cả đều tan tành. 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki trở thành vùng đất chết sau khi Mỹ thả 2 quả bom nguyên tử cách đây 70 năm. Chiến tranh thật sự là tội ác không thể tha thứ. Nó đã lấy đi biết bao nụ cười của nhân loại. Những gì mà người dân đã phải hứng chịu quả thật quá khủng khiếp. Để rồi, đến nay, vết thương chiến tranh ấy mãi chẳng lành, nỗi đau, mất mát và sự sợ hãi vẫn sẽ bám diết tâm hồn con người.

Sau khi tham quan 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki, chúng tôi càng nhận thức rõ hơn về sự kinh khủng của chiến tranh, về sự tàn nhẫn mà nó đem lại. Và trong chúng tôi hình thành sự căm ghét chiến tranh, căm thù những kẻ có dã tâm tàn phá thế giới vốn tươi đẹp này. Chiến tranh quá tàn ác nên hòa bình càng trở nên đáng quý. Chính vì thế, chúng tôi rất muốn được làm gì đó để đóng góp, cống hiến cho nền hòa bình của thế giới. Đây cũng chính là mục đích mà thông qua chuyến đi này chúng tôi đã gặt hái được.

Khung cảnh yên bình của thành phố Hiroshima trước khi Mĩ ném boom

Những gì còn sót lại sau trận ném boom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima ngày 06.08.1945

Trong chuyến đi lần này, chúng tôi đã may mắn được đặt chân đến Okinawa. Tại đây, chúng tôi đã thấy một Nhật Bản rất khác. Trái với cuộc sống hiện đại, tập nập, bận rộn ở các thành phố lớn, ấn tượng của chúng tôi về Okinawa là những đám mây, là bầu trời rộng xanh nhưng lại gần tưởng chừng có thể với tới. Biển và trời gần nhau tới mức, chúng tôi cảm tưởng như đang nghe tiếng sóng vỗ rì rào từ trên bầu trời xanh biếc kia vậy. Ở đây có một cái gì đó quen thuộc. Trong một phút thoáng qua, chúng tôi đã có cảm giác như đang đứng trên mảnh đất thân thương Việt Nam vậy.

Khác với những vùng đất khác, Okinawa là vùng lãnh thổ của Vương quốc Lưu Cầu – một vương quốc cổ xưa tồn tại từ thế kỷ XV cho đến thế kỷ XIX. Mặc dù, hiện nay, Okinawa đã trở thành 1 thành phố du lịch nhộn nhịp, đa màu sắc văn hóa nhưng những giá trị văn hóa truyền thống của Ryukyu vẫn được lưu giữ, bảo tồn cẩn thận. Chúng tôi đã được chiêm ngưỡng cuộc sống, phong tục, thói quen của vương quốc này tại thành Shuri đỏ thắm, xoa hoa mà cổ kính giữa biển cả mênh mông. Hơn thế nữa, chúng tôi còn được học về sự thành lập vương triều, thiên nhiên và cả con người của mảnh đất Okinawa từ thuở sơ khai. Khi thăm quan  Viện bảo tàng nghệ thuật ở Kyushu-Okinawa, chúng tôi đã được trải nghiệm chơi rất nhiều trò chơi dân gian của người dân nơi đây. Chúng tôi còn được tự mình đánh đàn Shamisen nữa. Tiếng đàn thực sự rất hay. Dạo bước trên các con phố hiện đại tại nơi đây, chúng tôi vẫn có thể nghe thấy âm thanh của tiếng đàn Shamisen. Nhưng khác với tiếng nhạc trên sân khấu bunraku và kabuki, âm thanh nhạc từ đàn Shamisen tại Okinawa vẫn mang nét truyền thống vốn có mà vẫn rất hiện đại. Trong âm nhạc nơi đây là niềm vui, niềm hứng khỏi, sự hăng say tận hưởng cuộc sống. Nơi đây như mang trong mình một bản nhạc rock vui tươi mà mỗi khi nghe, ai cũng sẽ nhún nhảy theo vậy.

Tại Okinawa, Quân đội Mĩ vẫn tiếp tục đóng quân, dựng căn cứ quân sự dù chiến tranh thế giới thứ hai đã kết thúc cách đây hơn 70 năm. Theo báo chí đã đưa tin về tình hình chính trị tại Okinawa, nhiều người dân nơi đây đang bất bình về việc căn cứ quân sự Mỹ ồn ào, tai nạn đường bộ thường xuyên xảy ra và đôi khi là những vụ án do lính Mĩ gây ra. Nhưng trên thực tế, khi chúng tôi phỏng vấn những người người dân thì hiện tại, họ không còn bận tâm quá nhiều về việc Quân đội Mĩ tiếp tục đóng quân tại Okinawa nữa. Không những thế, họ còn đang vui vẻ tận hưởng cuộc sống hiên tại. Họ sống cho hiện tại và tương lai, quá khứ giờ chỉ còn là dĩ vãng. Thời gian qua đi, con người sẽ đứng lên, bước tiếp để sống với hiện tại, tiếp tục hướng tới 1 tương lai tốt đẹp hơn. Đó dường như là niềm vui, là niềm mong muốn của người dân nơi đây cũng như của người dân Nhật sau khi chiến tranh kết thúc. Giờ đây, người dân Okinawa sống vui vẻ đúng như tinh thần của những chú Shisa luôn vui tươi, hớn hở - biểu tượng của thành phố này vậy.

Thành phố Okinawa xinh đẹp chụp từ thành Shuri

Đã được nghe kể nhiều về đường phố Nhật Bản nhưng khi đặt chân lên mảnh đất này, chúng tôi vẫn không khỏi ấn tượng về những con phố vô cùng sạch sẽ này. Rong ruổi khắp các thành phố, từ những con đường lớn cho đến các con ngõ nhỏ, chúng tôi hiếm khi nhìn thấy thùng rác nhưng đường phố sạch đẹp không có đến một mẩu rác, không một hạt bụi. Người Nhật luôn có ý thức mang theo túi để đựng rác trên xe và mang rác về nhà chứ không xả rác bừa bãi trên đường phố. Khi trời, mưa, chúng tôi chẳng cần lo bẩn giày, quần áo như ở Việt Nam nữa. Hai bên đường là những hàng cây xanh nối nhau điểm tô có chức năng lọc không khí. Không khí thực sự rất trong lành, thoải mái.

Đường phố sạch đẹp tại Nhật Bản

Hơn thế, người Nhật cũng rất chú trọng đến việc phân loại rác. Nếu ở Việt Nam, các loại rác được đổ chung với nhau thì ở Nhật, rác được phân ra thành chai, lọ, giấy báo,… loại đốt được, loại không đốt được. Thậm chí, họ còn phân ra để thu rác theo ngày. Với cách phân loại như vậy, chúng ta vừa có thể thu lại chai lọ… để tái chế, tiết kiệm tài nguyên vừa hạn chế sự độc hại ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Đây quả là một biện pháp hợp lý và hữu ích góp phần rất tích cực vào việc giữ gìn và bảo vệ môi trường. Có lẽ với hành động tích cực bảo vệ của toàn thể người dân mà môi trường tại Nhật mới thật sự tươi đẹp như vậy.

Phân loại rác tại Nhật Bản

Chúng tôi đã xem rất nhiều bộ phim, đọc rất nhiều cuốn truyện tranh nói về cảnh sắc nên thơ của xứ sở Mặt trời mọc này. Nhiều lúc, chúng tôi tự hỏi, ở ngoài đời thực, mọi thứ có giống vậy không? Khi đặt chân đến Nhật Bản, tất cả chúng tôi đề đã được giải đáp. Nước Nhật với những ngọn núi hùng vĩ, những cánh rừng xanh mướt, nước biển xanh thẳm hay những căn nhà vuông vắn bên cạnh những mảnh vườn nhỏ xinh đậm chất Nhật đều đã in đậm trong tâm trí chúng tôi. Đến với nước Nhật, chúng tôi đã có cơ hội được đi thăm thú khám phá rất nhiều nơi. Chúng tôi đã được đến thăm vùng đất cố đô Kyoto, tham quan những ngôi đền, ngôi chùa cổ kính. Không ồn ào, xồ bồ, Kyoto mang một nét rất riêng. Vùng đất cố đô này lặng lẽ, yên bình, mang trong mình dòng chảy lịch sử cứ tuôn mãi, tuôn mãi đến muôn đời.

Kinkakuji - Kyoto

Chúng tôi cũng đã được tham quan Osaka, Tokyo… Ở nơi đây, nhịp sống lại vô cùng sôi động, đông đúc, nhộn nhịp. Ở tại những thành phố lớn này là những tòa nhà chọc trời, những ngôi nhà đầy đủ tiện nghi và cả những phương tiện hiện đại. Những con phố đông đúc, huyên náo ngập tràn sắc màu của các biển hiệu, những bộ trang phục cosplay bắt mắt... là những gì gây ấn tượng mạnh nhất đối với chúng tôi. Nhưng giữa lối sống hiện đại, ta vẫn có thể bắt gặp những nét truyền thống. Ở Tokyo, Osaka,… ta vẫn thấy những ngôi đền, ngôi chùa mang sắc đỏ cổ kính như ở Kyoto. Những nét truyền thống ấy nằm đan xen, hòa cùng một dòng chảy với cuộc sống hiện đại. Chính thế, đất Nhật được gọi là vùng đất nơi truyền thống bắt gặp và hòa cùng dòng chảy với tương lai. Mọi thứ ở nơi đây, vừa lạ, mà cũng lại thật quen.

Tham quan Tokyo

Trong những ngày học tập tại Nhật Bản, chúng tôi cũng đã được trải nghiệm những món ăn vô cùng đặc sắc, nổi tiếng của Nhật Bản như sushi, sashimi hay udon, ramen,… Người Nhật vô cùng chau chuốt tỉ mỉ khi nấu ăn. Họ quan tâm từ lượng kcal, cân bằng dinh dưỡng cho đến cách bày trí sao cho bắt mắt nhất. Khi nhìn hình ảnh trên Menu, Chúng tôi hoàn toàn yên tâm gọi món vì ở đây không có kiểu “hình ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ" như ở nhiều nơi. Ban đầu, chúng tôi còn chưa quen ăn các món sống nhưng dần dần chúng tôi đã có thể làm quen và tận hưởng hương vị của nó. Những hương vị ấy chẳng thể dùng ngôn từ nào diễn tả được, chỉ thực sự trải nghiệm mới có thể cảm nhận hết vị ngon.


Một điều mà chúng tôi đặc biệt ấn tượng chính là hệ thống giao thông của Nhật. Chúng tôi đã từng nghĩ, với một đất nước phát triển rất mạnh trên lĩnh vực sản xuất xe, đường phố tại Nhật đáng lẽ phải tràn ngập những chiếc xe oto, xe máy. Nhưng thật ra, người Nhật lại lựa chọn phương tiện mà người Việt Nam đang dần quên đi: xe đạp. Không hề riêng gì những cô cậu mặc đồng phục, mà kể cả những nhân viên văn phòng, những ông cụ, bà cụ cũng đạp xe rất nhiều 2 bên đường phố. Và 1 điểm nữa khác so với ở Việt Nam, người Nhật di chuyển chủ yếu bằng tàu nên họ phải di chuyển liên tục bằng cách đi bộ để đến các ga. Chính vì vậy, trên những con phố Nhật Bản, bạn sẽ thấy rất nhiều người đi bộ và đi xe đạp, như thể đó là nền "văn hóa đường phố" của riêng họ vậy.

Khác với các quốc gia khác, người Nhật sử dụng phương tiện công cộng một cách thường nhật và được coi như một nét văn hóa. Chúng tôi thật may mắn đã có cơ hội được trải nghiệm hết các phương tiện giao thông công cộng tại đây. Những chuyến tàu điện ngầm, tàu shinkansen tại Nhật quả thực rất tiện lợi và hiện đại: Di chuyển vô cùng nhanh nhưng vẫn rất đảm bảo an toàn.Tại các thành phố lớn, đáng nhẽ ra đường phố phải đông đúc xe cộ nhưng tại Nhật, nhờ có hệ thống tàu điện hiện đại, chạy đều đặn, chính xác tới từng phút một như vậy mà đường phố thật sự rất thông thoáng, không có tắc đường, ồn ào. Hệ thống tàu điện tại Nhật thật khiến ta phải trầm trồ về suy nghĩ vĩ mô của con người nơi đây. Xây dựng từ mấy chục năm trước mà đến giờ những con đường sắt đó vẫn còn hoạt động tốt và tiện lợi đến vậy. Đây quả là một trải nghiệm vô cùng thú vị mà ở Việt Nam chưa có.

Máy soát vé tự động tại các ga tàu của Nhật

Ga tàu điện ở Nagasaki

Người Nhật cũng vô cùng nhiệt tâm. Chúng tôi đã vô cùng may mắn khi đã nhận được giúp đỡ, chỉ dạy nhiệt tình trong suốt 11 ngày tham quan học tập tại Nhật. Trong lần đầu tiên tự trải nghiệm vé tàu điện ngầm, chúng tôi đã lúng túng và phải mất rất nhiều thời gian mới có thể mua được vé. Mặc dù đã cầm tấm bản đồ trên tay nhưng vì hệ thống đường xá tại Nhật quá phức tạp, chúng tôi không biết nên đi đường nào, lên chuyến nào cho đúng nên chúng tôi đã hỏi hành khách gần đó. Thật may mắn, họ xuống cùng ga với chúng tôi, không chỉ đưa đến lối ra mà họ còn nhiệt tình dẫn chúng tôi đến hẳn con đường bên ngoài, chỉ dẫn cho chúng tôi phương hướng. Đến lúc chào tạm biệt, họ vẫn không quên chỉ cho chúng tôi cách bắt tàu đi về và chúc "Chúc mấy đứa đi vui vẻ và an toàn nhé!". Đây quả là một kỉ niệm đẹp đáng nhớ về lòng tốt của người Nhật.

Hơn thế nữa, chúng tôi cũng đã có cơ hội tiếp xúc với nhịp sống hối hả và cả phong cách làm việc vô cùng chuyên nghiệp của người Nhật. Những người nhân viên đi làm trong bộ vest đen thật kiến ta phải ngưỡng mộ, nể phục. Cũng nhờ việc di chuyển khá nhiều bằng phương tiện công cộng mà chúng tôi đã phần nào tiếp thu được văn hoá ứng xử nơi công cộng của nhười Nhật. Từ cách xếp hàng khi đi thang máy, đứng thành 1 hàng khi đi thang cuốn, đến không gây ồn trên tàu. Chúng tôi thấy được sự nghiêm túc, nhiệt tâm trong công việc của người Nhật. Các bác lái xe, bác bảo vệ, nhân viên nhà ga,... ai nấy đều tận tậm với công việc và thân thiện, nhiệt tình chỉ bảo cho chúng tôi. Đó là ngày đầu tiên chúng tôi bước chân đến Nhật Bản. Những ấn tượng về cuộc sống, con người xứ sở Mặt trời mọc đều được củng cố thêm và những ngày sau, nhưng những ấn tượng của ngày đầu tiên ấy, chính là những đức tính "cơ bản", tuyệt vời nhất trong con người Nhật Bản.

Một điều vô cùng thú vị nữa, đó chính là ở Nhật có rất nhiều những phát minh kỳ lạ và mọi thứ đều được tự động hóa. Ở Nhật, không đâu là không có những chiếc máy bán hàng tự động. Chỉ cần nhét tiền xu và ấn nút, bạn sẽ có ngay một chai nước mát lạnh. Tại các nhà ga, không cần phải có người bán vé, soát vé. Máy móc sẽ làm tất cả. Tại các sân bay còn có cả các em bé robot chỉ dẫn nữa. Quả là một xã hội hiện đại, tiện nghi.

Lần đầu mua nước tại máy bán hàng tự động ở Nhật Bản dưới sự hướng dẫn của thầy Imai

Những chai nước đầu tiên mua từ máy bán hàng tự động ở sân bay Kansai- Osaka

Tuy nhiên, có một điều khiến chúng tôi đặc biết chú ý tới đó là ở mọi nơi đều có những khu vực, những thiết bị dành riêng cho người khuyết tật. Ở các ngã ba, ngã tư qua đường, các vị trí đèn giao thông ở Nhật Bản không chỉ có tín hiệu đèn xanh đèn đỏ mà còn có nhạc qua đường. Ở trên các hè phố còn có những ô gạch rất khác lạ. Sau khi hỏi, chúng tôi mới biết rằng, những ô gạch khác lạ đó là để chỉ dẫn cho người khiếm thị. Với những ô có đường kẻ thẳng thì đoạn đường đó sẽ đi thẳng và những ô có nhiều dấu chấm, báo hiệu đoạn đường giao nhau. Người khuyết tất sẽ mò đi theo những ô đó để được đảm bảo an toàn. Và cũng khá nhiều lần chúng tôi bắt gặp những em học sinh khuyết tật xinh xắn trong bộ đồng phục vui vẻ đi tham quan cùng bạn bè. Phải chăng một xã hội công bằng hạnh phúc còn là một xã hội mà nơi đó tất cả mọi người đều có thể tham gia vào hoạt động xã hội một cách thoải mái, hoà đồng?

Để có được một quốc gia như vậy, hẳn chính phủ và người dân Nhật rất quan tâm đến việc giáo dục từ nhỏ. Chúng tôi cũng đã có dịp giao lưu, tham quan với trường Đại học Seitoku và Công ty Global Kids. Cả hai đều đang rất chú trọng phát triển hệ thống các nhà trẻ, các trường mẫu giáo nhưng mỗi nơi lại có sự khác biệt. Trong khi Seitoku chú trọng phát triển một ngôi nhà nơi mà các em có thể tự do chơi đùa, sáng tạo và học hỏi thông qua những trải nghiệm thực tế thì Global Kids quan tâm xây dựng một môi trường dạy trẻ đảm bảo an toàn. Từ cách chọn chất liệu nền nhà sao cho trẻ có bị ngã cũng không bị thương cho đến hệ thống cửa an ninh chỉ có giáo viên có thẻ vào, từ cách nghiên cứu chế độ dinh dưỡng cũng như quy trình chế biến đặc biệt an toàn. Giá mà các nhà trẻ ở Việt Nam cũng được trang bị đầy đủ và hiện đại như vậy.

Các em nhỏ tại trường Seitoku

Những ngày ở Nhật, chúng tôi đã được học hỏi rất nhiều điều, tiếp xúc với nhiều thứ  trước đây chỉ biết qua sách vở và cả những điều chưa từng biết đến. Sau chuyến đi, tôi càng thêm cảm phục và ngưỡng mộ đất nước Nhật Bản văn minh hiện đại, sự phát triển khoa học công nghệ của Nhật Bản cùng với đó là ý thức cộng đồng cũng như sự hiếu khách thân thiện của người Nhật. Chúng tôi đã được đón tiếp thật nồng hậu, được giúp đỡ nhiệt tình trên cả hành trình và đã học hỏi được nhiều điều mới. Đó sẽ là động lực giúp chúng tôi cố gắng học tập và quay trở lại nước Nhật một ngày không xa.

Để có được những trải nghiệm đầy ý nghĩa như vậy, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới quỹ tưởng nhớ Matsushita Konosuke đã tạo điều kiện cho đoàn sinh viên có cơ hội được tìm hiểu về thân thế sự nghiệp của người sáng lập ra tập đoàn Panasonic – ngài Matsushita Konosuke - một con người chỉ có hai bàn tay trắng mà đã gây dựng được sự nghiệp kinh doanh vĩ đại, không chỉ trong Nhật Bản mà còn trên toàn thế giới. Xin chân thành cảm ơn ngài Matsushita Masayuki chủ tịch quỹ tưởng niệm Matsushita Konosuke, ngài Daimon, và chị Taniguchi trong suốt thời gian tại Nhật Bản đã hết sức tận tình giúp đỡ cũng như hỗ trợ đoàn sinh viên. Và trên hết, chúng tôi xin chân thành cảm ơn Trung Tâm Ngôn ngữ - Văn hóa Nhật Bản và Phát triển hợp tác (CCJLC) đã xây dựng và giới thiệu chương trình bổ ích này tới chúng tôi, đã tạo cơ hội cho chúng tôi được tìm hiểu về đất nước và con người Nhật Bản. Hy vọng sau này, chúng tôi sẽ tiếp tục nhận được sự tài trợ từ Quỹ tưởng nhớ Matsushita Konosuke và Trung Tâm Ngôn ngữ - Văn hóa Nhật Bản và Phát triển hợp tác (CCJLC). Mong rằng các bạn sinh viên khác cũng sẽ có cơ hội trải nghiệm những điều thú vị mà chúng tôi trong chuyến đi lần này đã có được."