Giao lưu nhân kỉ niệm 50  năm thành lập Trường Đại học Sendai

Giao lưu nhân kỉ niệm 50 năm thành lập Trường Đại học Sendai

Tháng 11 năm 2017 vừa qua, các bạn sinh viên khoa Nhật trường ĐH Hà Nội và thành viên CLB HANU CCJLC đã có cơ hội được đặt chân đến Nhật Bản tham quan và được giao lưu với các bạn sinh viên trường Đại học Sendai. Dưới đây là bài cảm nhận của bạn Trần Thị Ngọc Tú - sinh viên tham gia chương trình này.

"Chúng tôi trở về nhà lúc nửa đêm sau chuyến đi dài 5 ngày đến xứ sở Mặt trời mọc. Mọi thứ xảy ra đến bây giờ đều như một giấc mơ vậy.

Chúng tôi gồm 5 sinh viên đến từ khoa Tiếng Nhật – Đại học Hà Nội và cũng là thành viên của Câu lạc bộ Hanu JVCC được bảo trợ bởi Trung tâm hợp tác phát triển Việt Nhật JVCC trực thuộc Đại học Hà Nội. Chúng tôi cảm thấy thật may mắn khi được chọn sang tham dự Lễ Kỉ niệm 50 năm thành lập trường Đại học Sendai. Từ tháng 7 đến tháng 11, chúng tôi đều rất háo hức và đếm từng ngày để có thể đến với Nhật Bản, đến với Đại học Sendai, để có thể có thêm nhiều trải nghiệm mới.

Cảm giác đầu tiên của chúng tôi khi vừa đặt chân xuống sân bay Haneda là … lạnh! Mặc dù hiện tại mới là đầu mùa thu ở Nhật Bản nhưng nhiệt độ đã xuống đến 18 độ - tức là bằng với mùa đông ở Việt Nam. Những con người ở miền nhiệt đới như chúng tôi không khỏi xuýt xoa và nhanh chóng mặc thêm áo khoác. Khi chưa kịp quen với cái lạnh của Nhật Bản, chúng tôi đã phải quay cuồng cùng với cô giáo và người hướng dẫn viên hoà mình vào hệ thống giao thông của Tokyo. Đầu tiên chúng tôi đi Mono Rail từ sân bay, sau đó đi JR và cuối cùng là đặt chân lên tàu Shinkansen để đến thành phố Sendai. Giao thông ở Nhật Bản thật khác với giao thông ở Việt Nam. Các phương tiện công cộng ở Nhật Bản đa dạng hơn, và có rất nhiều phương tiện tự động hoá, tốc độ cao. Mọi người dân sử dụng các phương tiện công cộng một cách trật tự, quy củ, nghiêm túc. Đến Nhật Bản lần đầu tiên thật là khó để quen với điều này.

Sân bay Haneda

Khi đến ga Sendai, chúng tôi được 2 cô giáo của Đại học Sendai đón. 2 cô giáo, một người đã cao tuổi, một người hơn tuổi cô giáo của chúng tôi một chút, cả hai đều rất nhiệt tình chỉ qua cho chúng tôi lịch trình của mỗi ngày. Chúng tôi thấy thật cảm động khi hai cô liên tục hỏi xem chúng tôi có lạnh không.

Chúng tôi về đến khách sạn vào khoảng 8h tối, chúng tôi được tiếp đón nồng nhiệt bởi cô Mio – trước đây cô ấy cũng đã dẫn 1 đoàn các bạn sinh viên Đại học Sendai đến Đại học Hà Nội để làm bài nghiên cứu về ẩm thực Việt Nam. Ngoài ra sự phục vụ tận tình và lịch sự của nhân viên khách sạn cũng khiến chúng tôi có một ấn tượng rất tốt về ngành dịch vụ của Nhật Bản. Chúng tôi đã cùng ăn tối tại nhà hàng của khách sạn. Những sinh viên học tiếng Nhật như chúng tôi không phải lần đầu tiên ăn sashimi, thế nhưng được ăn sashimi ngay trên chính quê hương của nó là một cảm giác hoàn toàn khác. Bữa ăn tối đã giúp chúng tôi cảm nhận được một góc nào đó về nét tinh tuý trong ẩm thực của Nhật Bản.

Món sashimi tại nhà hàng của khách sạn

Sau khi ăn tối, cô Mio dẫn chúng tôi đến cửa hàng tiện lợi. Thực ra cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam không còn xa lạ gì, nhưng cách mà nhân viên ở đây chào khách, phục vụ khách khiến những người sử dụng dịch vụ là chúng tôi cảm thấy được tôn trọng.

Lịch trình ngày thứ 2 tại Sendai của chúng tôi, buổi sáng sẽ là lễ mít tinh chào đón các trường đối tác của Đại học Sendai đến giao lưu và biểu diễn, buổi chiều là buổi tổng duyệt dành cho các tiết mục sẽ biểu diễn vào buổi lễ. Chúng tôi có cơ hội được gặp gỡ các bạn đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hawaii, Đức, Nga… và may mắn được gặp gỡ một đoàn sinh viên từ Trường Đại học Thể dục Thể thao Tp.HCM. Tất cả các trường đến tham dự đều là các trường chuyên về Thể dục Thể thao trên thế giới. Chỉ riêng chúng tôi là trường chuyên về ngôn ngữ và làm mọi người rất ngạc nhiên vì có thể nói được tiếng Nhật.

Mỗi trường Đại học được mời tới lễ kỉ niệm đều có một bia kỉ niệm

Sau đó chúng tôi được đi tham quan khuôn viên Đại học Sendai. Chúng tôi được đưa đến phòng tập gym, phòng tập Kendo…

Phòng tập Kendo, nơi chúng tôi được cầm thanh kiếm và trải nghiệm

 Buổi tổng duyệt diễn ra suôn sẻ. Chúng tôi may mắn nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình từ phía Đại học Sendai, đặc biệt là bạn Kokoro. Tuy tay phải đang bị thương nhưng bạn ấy vẫn nhiệt tình chỉ dẫn chúng tôi, hỏi xem chúng tôi có lạnh không, và còn hỏi chúng tôi một số từ trong tiếng Việt để khích lệ chúng tôi. Quả thực hiếm có đoàn nào có thể có được những khoảnh khắc vui vẻ thoải mái như chúng tôi trong khi ngồi chờ trong cánh gà đợi đến lượt tổng duyệt.

Ngày thứ 3 là ngày lễ chính thức. Buổi sáng chúng tôi sẽ tổng duyệt một lần nữa và buổi chiều diễn thật. Trong thời gian đợi đến lượt tổng duyệt, chúng tôi được cô Kikuchi dẫn đi dạo quanh khu vực nhà hát. Thời tiết bắt đầu đẹp dần. Chúng tôi hiểu vì sao đối với người Nhật, trời nắng mới là trời đẹp, vì ở đây rất hiếm khi nắng, mà nắng ở Nhật Bản là nắng nhẹ rất dễ chịu, không nắng chói và gắt như ở một đất nước nhiệt đới như Việt Nam. Tuy cái nắng chẳng làm cho thời tiết ấm lên bao nhiêu, nhưng cũng vừa đủ để con người cảm thấy thoải mái. Chúng tôi khi còn ở Việt Nam có nghe nói bây giờ ở Nhật đang là mùa momiji và rất mong chờ được nhìn thấy momiji, nhưng rất tiếc là ở đây rất ít cây lá đỏ.

Đường phố khá ít cây, nhưng giơ máy chụp ngẫu nhiên cũng được 1 bức ảnh đẹp

Trở về nhà hát sau khi đi dạo, chúng tôi lại nhận được sự giúp đỡ quá nồng nhiệt của thầy Fukuda. Thầy bảo vì thời gian gấp rút nên không có thời gian di chuyển đến địa điểm ăn trưa mà sẽ ăn cơm hộp tại nhà hát luôn, rồi sau đó cho chúng tôi rất nhiều bánh kẹo ăn cho đỡ mệt khi chờ đợi đến lượt tổng duyệt, và  sốt sắng đi tìm một phòng để cho chúng tôi thay đồ, hoá trang, một phòng ấm áp có gương để chúng tôi tập dượt lại trước khi lên diễn. Bạn Kokoro cũng đã có mặt để đảm bảo chúng tôi sẽ xuất hiện đúng lúc khi đến lượt diễn, liên tục khích lệ chúng tôi bằng tiếng Việt và chụp cho chúng tôi những tấm ảnh kỉ niệm ở hậu trường. Chúng tôi cảm thấy rất cảm động trước sự nhiệt tâm của người Nhật đối với những người khách như chúng tôi.

Cô Kikuchi là một trong những thầy cô giáo giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong buối sáng tổng duyệt cuối cùng

Do điều kiện ánh sáng không cho phép nên hộp cơm Bento không được đẹp như khi nhìn tận mắt, nhưng đây là bữa cơm đẹp mắt nhất làm chúng tôi thoả mãn nhất khi chờ tổng duyệt

Chúng tôi sau khi tập lại một vài lần trước khi diễn trong căn phòng ấm áp có gương mà thầy Fukuda tìm cho chúng tôi

Sau buổi lễ, chúng tôi được tham gia một bữa tiệc đứng. Tại đây, chúng tôi được gặp lại các bạn sinh viên Đại học Sendai đã đến Việt Nam trước đây, đồng thời được làm quen với rất nhiều các bạn mới. Chúng tôi đã dạy cho các bạn ấy cách “kanpai” theo kiểu Việt Nam, xin tài khoản Line và Instagram để giữ liên lạc.

Ngày tiếp theo chúng tôi được đi tham quan một trường tiểu học tại Sendai. Điều đặc biệt là trường tiểu học này đã bị đóng cửa và rào lại để phục vụ mục đích trưng bày và tham quan do chịu hậu quả rất nặng nề từ thảm hoạ động đất và sóng thần ngày 11/3/2011. Chúng tôi đã được nghe lời kể về thảm hoạ, khi mà trường tiểu học này nằm gần biển nhất, vì thế những con sóng thần ập vào  thừa sức cuốn đi cả ô tô, các em học sinh và giáo viên - tất cả hơn 3 trăm người - phải lên tầng thượng để chờ trực thăng đến cứu hộ. Chúng tôi đã được chứng kiến khung cảnh tan hoang đổ nát ở tầng 1 của toà nhà, những vệt nước bắn lên trần nhà và vệt nước còn sót lại cho thấy mực nước chạm đến đầu gối khi ở tầng 2, và rất nhiều những căn phòng ở tầng 4 đều được sử dụng để phục sinh hoạt thường ngày của các em học sinh trong khi chờ được cứu. Những tấm bảng trong lớp học chi chít những nét chữ của các em, đó là những lời cảm ơn các thầy cô, lời tâm sự của các em khi phải chứng kiến và chịu đựng thảm hoạ khi các em còn quá bé. Đến đây chúng tôi đã phần nào hiểu và cảm phục tinh thần của người dân Nhật Bản trước những thảm hoạ khủng khiếp có thể giáng xuống đầu họ bất cứ lúc nào.

 

Chiếc đồng hồ dừng đúng lúc thảm hoạ sóng thần ập đến với ngôi trường nhỏ

Đây là chăn đắp, quần áo ấm và một số vỏ đồ hộp mà các em học sinh đã sử dụng trong những ngày chờ cứu hộ đến

 

Khung cảnh tan hoang ở tầng 1

Vệt nước đánh dấu mực nước mà sóng thần chạm đến

Khung cảnh vắng vẻ xung quanh ngôi trường. Theo như lời giải thích của cô Mio, sóng thần ập vào nên đất đai ở đây bị nhiễm mặn, không thể canh tác được thứ gì

Buổi trưa và chiều là thời gian tự do, chúng tôi có thể cùng với cô giáo đi ăn trưa tại một khu outlet và mua đồ lưu niệm về làm quà cho người thân tại ga Sendai. Một lần nữa chúng tôi được trực tiếp hoà mình vào dòng người tham gia giao thông ở Nhật Bản. Chúng tôi phải học cách làm quen với việc đi bên trái, và đi với tốc độ giống như khi bạn muộn học ở Việt Nam. Cô giáo dẫn chúng tôi đi tầm khoảng 70 tuổi, thế nhưng tốc độ đi của cô đến chúng tôi cũng không theo kịp. Nếu như ở Việt Nam, bạn có thể sang đường ở bất cứ chỗ nào, nhưng ở Nhật Bản, làn đường dành riêng cho người đi bộ sang đường rất rộng và bạn chỉ có thể sang đường tại đây. Một điều khá lạ là ở Việt Nam, xe đạp sẽ đi xuống lòng đường như các phương tiện khác, nhưng ở Nhật Bản, xe đạp sẽ đi trên vỉa hè. Và vỉa hè ở đây cũng rất rộng để dành cho người đi bộ - ở Nhật Bản có lẽ người ta rất thích đi bộ - không phải để bán hàng rong hoặc tận dụng làm nơi đỗ xe như ở Việt Nam. Đường xá phố phường ở Nhật Bản cũng rất sạch sẽ, hiếm khi thấy một cọng rác hay một hạt bụi nào, cũng không có thùng rác công cộng và không thấy bóng dáng của lao công với những xe rác chất đống. Thùng rác chỉ được tìm thấy ở các nhà hàng và khu vui chơi, đương nhiên sẽ có rất nhiều thùng để phân loại rác, lần đầu tiên chúng tôi phải dừng trước những thùng rác vài giây để xem phải vứt vào thùng nào, nếu như vứt rác ở Việt Nam, bạn chỉ cần đơn giản là vứt vào thùng là xong.

Ăn trưa tại khu Outlet

Đường phố sạch đẹp và giao thông trật tự quy củ

Buổi tối hôm đó chúng tôi được ăn tối với cô Mio và thầy Fukuda. Thầy luôn hỏi xem chúng tôi xách đồ có nặng không để thầy xách giúp cho khi chúng tôi đi bộ từ khu mua sắm đến nhà hàng. Tại nhà hàng, chúng tôi được ăn hầu hết những món ăn quốc hồn quốc tuý của Nhật Bản: lẩu sữa đậu nành, sashimi, sushi, bánh mochi, tempura… và được thử các loại thức uống truyền thống, đặc biệt là rượu mơ. Lần đầu tiên chúng tôi được ăn theo một kiểu phục vụ rất khác so với Việt Nam. Từng món một sẽ được bày ra sau khi chúng tôi đã ăn hết món trước đó. Chúng tôi ăn xong một món và rất bất ngờ và háo hức khi sau đó lại có thêm những món khác. Đồ ăn của Nhật Bản không chỉ ăn bằng miệng mà còn phải ăn bằng mắt. Các món ăn đều được trang trí công phu với rất nhiều màu sắc đa dạng của những thực phẩm tươi ngon nhất. Đến gần cuối bữa ăn, chúng tôi được gặp con gái của thầy Fukuda. Đó là một cô bé xinh xắn, có dáng người rất đẹp vì đang theo học một lớp bale. Có vẻ như người Nhật rất chú trọng trong việc bồi dưỡng năng khiếu cho con trẻ. Sẽ rất dễ hiểu khi ở Nhật, học sinh sau khi hoàn thành giờ học ở trên lớp lại tất bật đến với các lớp học bóng rổ, võ, kiếm đạo, piano, hiphop, bale…

Ăn tối cùng thầy Fukuda và cô Mio

Lẩu sữa đậu nành…

Sashimi…

Bánh mochi rán…

Tempura…

Và món sushi được bày biện công phu

Ngày cuối cùng ở Nhật Bản, chúng tôi phải tạm biệt cô Mio, thầy Fukuda, thầy Arai, cô Kikuchi… và các thầy cô giáo, các bạn sinh viên Sendai tốt bụng khác đã giúp đỡ chúng tôi trong chuyến đi này. Thực sự rất biết ơn mọi người vì đã đón tiếp chúng tôi một cách rất nồng hậu ấm áp. Hẹn gặp lại mọi người, mong rằng chúng tôi sẽ có dịp được dẫn mọi người đi đến nhiều nơi ở Việt Nam giống như cách mà mọi người đã đồng hành cùng chúng tôi trong 5 ngày qua. Cảm ơn và hẹn gặp lại Sendai!

Tạm biệt Sendai!