[Quỹ tưởng nhớ Matsushita Konosuke (Panasonic)] Bài cảm tưởng về chủ đề Hòa bình

[Quỹ tưởng nhớ Matsushita Konosuke (Panasonic)] Bài cảm tưởng về chủ đề Hòa bình

Trong tháng 6.2017 vừa qua, các bạn sinh viên tham dự Chương trình tham quan học tập với chủ đề Hòa bình do Quỹ tưởng nhớ Matsushita Konosuke (Panasonic) tài trợ đã đến tham quan 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki, hai địa danh nổi tiếng gắn với sự kiện lịch sử năm 1945 khi phải hứng chịu hai quả bom nguyên tử của quân đội Mỹ. Dưới đây là bài cảm nhận của các bạn sau khi được tận mắt chứng kiến những gì kinh hoàng còn sót lại sau chuyến tham quan vừa qua.

Trong chuyến tham quan học tập tại Nhật Bản vừa qua, với chủ đề Hòa Bình, tôi đã có cơ hội được đến thăm 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki, hai địa danh nổi tiếng gắn với sự kiện lịch sử năm 1945 khi phải hứng chịu hai quả bom nguyên tử của quân đội Mỹ. Sự kiện chấn động toàn thế giới và gây bàng hoàng cho cả nước Nhật. Các phương tiện truyền thông cũng đã nói nhiều đến sự kiện lịch sử này, tuy nhiên khi được đặt chân đến tận nơi, tận mắt tìm hiểu, chúng tôi vẫn không khỏi ám ảnh.

Đến với Hiroshima, chúng tôi tới thăm Khu tưởng niệm Hòa Bình Hiroshima, đầu tiên là mái vòm bom nguyên tử (Genbaku Dome 原爆ドーム). Tòa nhà trước đây là Nhà triển lãm thương mại tỉnh Hiroshima, do một kiến trúc sư người Séc thiết kế. Thời điểm xảy ra vụ nổ bom nguyên tử, đây là tòa nhà ở gần tâm vụ nổ nhất chịu được sức công phá. Trước đây tôi đã từng xem một phóng sự nói về một người phụ nữ sống sót sau vụ nổ bom năm nào. Bà từng là nhân viên làm việc tại Khu nhà triển lãm này, nhưng do hôm đó đến muộn nên đã may mắn sống sót. Bà bị thương ở một ga tàu gần đó. Đến giờ bà vẫn không khỏi đau xót khi nghĩ về những người đồng nghiệp đã chăm chỉ đi làm đúng giờ và thiệt mạng trong tòa nhà.

Phần di tích còn sót lại được giữ nguyên trạng và bảo tồn, như một minh chứng cho sự hủy diệt của vụ nổ bom nguyên tử, nhắc nhở mỗi người về nỗi đau chiến tranh, sự tàn phá của vũ khí hạt nhân cũng như thể hiện khao khát một cuộc sống hòa bình của người dân Hiroshima nói riêng và người dân Nhật Bản nói chung. Mái vòm bom nguyên tử đã được công nhận là di sản thế giới năm 1996.

Di tích mái vòm bom nguyên tử (Genbaku Dome) 

Nơi tưởng niệm những nạn nhân của vụ ném bom.

Cũng nằm trong khu tưởng niệm là Bảo tàng tưởng niệm hòa bình  Hiroshima. Tại đây, khung cảnh cũng như cuộc sống của người dân Hiroshima trước và sau vụ ném bom được tái hiện vô cùng chân thực.

8 giờ 15 phút ngày 6 tháng 8 năm 1945, chỉ một quả bom “Little Boy” đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người, hủy hoại và tiếp tục ảnh hưởng đến cuộc sống của những người còn sống sót. Cả một thành phố đã bị hủy diệt.

Hình ảnh mô phỏng thành phố Hiroshima trước khi bị ném bom

…Và sau khi thảm họa xảy ra

Đồ đạc của nạn nhân, những đồ vật được sử dụng trong chiến tranh cũng được lưu giữ tại bảo tàng, khiến cho chúng tôi cũng như những du khách đến đây đều có thể cảm nhận được sự khốc liệt của chiến tranh và cảm thấy vô cùng ám ảnh trước nỗi đau của những nạn nhân trong vụ ném bom. Thời gian đã trôi qua nhưng nỗi đau vẫn còn nguyên vẹn. Bảo tàng đã truyền tải sâu sắc sự hủy diệt của vũ khí hạt nhân, sự tàn phá của chiến tranh, truyền đi thông điệp về khát khao một cuộc sống hòa bình.

Mô hình thu nhỏ của tòa nhà triển lãm sau và trước khi bị ném bom

được trưng bày trong bảo tàng.

Sau Hiroshima, chúng tôi cũng đã được đến thăm nơi phải hứng chịu quả bom nguyên tử thứ hai của Mỹ-thành phố Nagasaki. Địa điểm đầu tiên chúng tôi ghé thăm khi đến Nagasaki là Công viên Hòa bình Nagasaki, công viên được xây dựng để kỷ niệm vụ đánh bom nguyên tử ngày 9 tháng 8 năm 1945.

Bức tượng Hòa bình cao 10 mét đặt trong Công viên Hòa Bình. Tay phải giơ lên thể hiện mối đe dọa của vũ khí hạt nhân, tay trái dang rộng thể hiện hòa bình vĩnh cửu. Bức tượng có ý nghĩa cầu nguyện cho một thế giới hòa bình không có vũ khí hạt nhân.

Tương tự như Bảo tàng tưởng niệm Hòa Bình ở Hiroshima, Bảo tàng bom nguyên tử Nagasaki cũng tái hiện sự hủy diệt của quả bom nguyên tử “Fat Man” được thả xuống thành phố Nagasaki vào lúc 11 giờ 2 phút ngày 9 tháng 8 năm 1945. Khi đó, Nagasaki là căn cứ của Hải quân Nhật và có xưởng đóng tàu Mitsubishi, đó là lý do Nagasaki được đưa vào danh sách mục tiêu ném bom. Dù chỉ là phương án dự bị tuy nhiên mục tiêu số 1 ngày hôm đó là thành phố Kokura bầu trời quá nhiều mây nên viên phi công lái máy bay đã chuyển mục tiêu sang Nagasaki. Quả bom ném vội cùng với địa hình đồi núi đã làm giảm sức tàn phá của quả bom, tuy vậy nó cũng đủ làm cho khoảng 40000 người bị giết chết ngay tức khắc và khoảng 25.000 bị thương, hàng nghìn người bị chết sau đó do bị thương, bị nhiễm độc phóng xạ sau vụ nổ. Ngoài ra, tham quan bảo tàng bom nguyên tử Nagasaki, chúng tôi cũng biết thêm được quá trình dẫn đến việc thả quả bom cũng như lịch sử của vũ khí hạt nhân, được nghe lại lời kể của những nhân chứng còn sống sót qua những tái hiện bằng hình ảnh tại bảo tàng.

Đài phun nước Hòa bình cầu nguyện cho các nạn nhân bom nguyên tử đã chết khi tìm kiếm nước.

Đến thăm Hiroshima và Nagasaki ngày hôm nay mới thấy được người dân nơi đây đã mạnh mẽ đứng lên xây dựng thành phố như thế nào. Tuy vậy những chứng tích chiến tranh vẫn còn đó như lời nhắc nhở về sự  hủy diệt của vũ khí hạt nhân và ước mong hòa bình của mỗi người dân Nhật Bản.

Hình ảnh hạc giấy được kết lại cầu nguyện vì hòa bình có thể dễ dàng bắt gặp

ở Hiroshima và Nagasaki.

Hai vụ nổ bom tại Hiroshima và Nagasaki đã buộc cộng đồng quốc tế phải có những nỗ lực ngăn chặn không để một sự việc như vậy tái diễn, xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Hơn 70 năm đã trôi qua nhưng những ám ảnh từ thảm họa Hiroshima- Nagasaki vẫn còn nguyên vẹn. Bảo vệ và gìn giữ một thế giới hòa bình là trách nhiệm của mỗi người ngày hôm nay.