[Quỹ tưởng nhớ Matsushita Konosuke (Panasonic)] GIÁO DỤC VÀ NUÔI DẠY TRẺ MẦM NON TẠI NHẬT BẢN

[Quỹ tưởng nhớ Matsushita Konosuke (Panasonic)] GIÁO DỤC VÀ NUÔI DẠY TRẺ MẦM NON TẠI NHẬT BẢN

Trong tháng 6.2017 vừa qua, các bạn sinh viên tham dự Chương trình tham quan học tập do Quỹ tưởng nhớ Matsushita Konosuke (Panasonic) đã có cơ hội được đến tham quan các cơ sở, trường mầm non. Dưới đây là bài cảm nhận của bạn Nguyễn Kim Chi - Sinh viên năm 3 Khoa tiếng Nhật trường Đại học Hà Nội - về nền giáo dục trẻ nhỏ tiên tiến tại Nhật bản sau chuyến tham quan vừa qua.

Ngày 17/6 vừa qua, nhờ có sự tài trợ của quỹ tưởng nhớ Konosuke Matsushita của tập đoàn Panasonic mà tôi đã có dịp được đặt chân đến xứ sở Hoa anh đào – ước mơ mà tôi đã ấp ủ bấy lâu nay được thành hiện thực. 11 ngày trải nghiệm, học tập cuộc sống, nền văn hóa Nhật bản – khoảng thời gian tuy không dài, nhưng thực sự những ấn tượng mạnh mẽ của tôi về đất nước xinh đẹp ấy vẫn làm tôi xao xuyến khi nhớ lại. Tôi biết rằng Đất nước Nhật Bản được cả thế giới khâm phục chắc hẳn không chỉ vì sự phát triển kinh tế thần kỳ trong một thời gian ngắn, mà còn vì nhân cách người Nhật Bản, cách họ giáo dục đạo đức con người ngay khi còn nhỏ. Trong chuyến tham quan, học tập lần này, tôi có cơ hội được tìm hiểu về vấn đề nuôi dạy trẻ nhỏ tại Nhật thông qua chuyến thăm Trường Đại học Seitoku – hệ thống cơ sở giáo dục từ cấp mầm non cấp sau đại học và trường cao đẳng nghề đào tạo giáo viên mầm non. Không những thế, Đoàn tôi còn được thăm quan trụ sở chính của Tập đoàn Global Kids - một tập đoàn giáo dục của Nhật Bản, đã có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng các trường từ mầm non tới đại học tại Nhật Bản. Tại đây, tôi đã được tận mắt khám phá, học hỏi cũng như hiểu hơn được tầm quan trọng trong việc nuôi dạy trẻ nhỏ đặc biệt là từ cấp độ mầm non.

Một buổi sáng mùa hạ mát mẻ, gần 1 tiếng đồng hồ ngồi trên xe để đến Chiba cũng không làm tôi cảm thấy mệt mỏi. vì khi vừa bước chân ra khỏi ô tô, chúng tôi đã được Ngài hiệu trưởng trường Seitoku cũng mọi người tiếp đón rất nồng nhiệt và thân mật.

Điều làm tôi háo hức nhất chính là được đến tham quan cơ sở trường mầm non tại đây để được ngắm nhìn bọn trẻ vui chơi, học tập. Vừa nhìn thấy chúng tôi, lúc đầu còn một vài ánh mắt e ngại, nhưng ngay sau đó, mấy bạn nhỏ đã hăng hái chạy tiến lại gần với tiếng cười ríu rít  "OHAYOGOZAIMASU”. CHúng tôi cũng đáp lại các em bằng những nụ cười tươi rói và tiếng chào đáp lại  thật to “ OHAYO”.  Nhìn những dáng hình nhỏ nhắn trong bộ đồng phục lớp của các em, tôi thấy lòng mình bừng lên cảm giác thật hạnh phúc.

Các cô giáo mầm non cũng rất dễ thương, các cô nhiệt tình hướng dẫn và cổ vũ các em vượt qua bài tập thể lực: nào là leo thang, vượt chướng ngại vật, trượt cầu, chui qua ống tròn,... không hề tỏ ra nản trí hay mệt mỏi, tôi nhìn thấy trong các em nhỏ là sự cố gắng, vui tươi, luôn muốn chinh phục những thử thách, khó khăn


Có lẽ chính sự rèn luyện  ngay từ nhỏ này đã tạo cho người Nhật tinh thần kiên cường để vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Là một đất nước không được thiên nhiên ưu ái khi hằng năm  trung bình Nhật Bản phải hứng chịu 1.000 trận động đất lớn nhỏ - chiếm 20% số trận động đất xảy ra mỗi năm trên toàn cầu. Trải qua bao mất mát bởi cơn cuồng nộ của thiên nhiên, động đất , sóng thần kép, nhưng người dân cũng như chính phủ Nhật bản luôn bình tĩnh, họ âm thầm chung tay giúp đỡ nhau, đoàn kết để gây dựng lại những gì bị thiên tai cướp đi, từng bước từng bước một xây dựng quê hương, đất nước. Có lẽ sinh ra trên đất nước của những trận động đất này cũng đã tạo cho các em nhỏ tâm lí vững vàng hơn trước những khó khăn khác ngoài cuộc sống.

Tiếp đó, chúng tôi được trực tiếp đến thăm quan phòng học của các em 2 tuổi đến 5 tuổi. Những căn phòng nhỏ xinh được trang trí, bày biện bằng những sản phẩm origami chính tay các em nhỏ làm ra dưới sự hướng dẫn tận tâm của các cô. Tôi thật sự rất ngưỡng mộ khi được biết hầu như tất cả những đồ dùng, dụng cụ học tập của các em là được chính các cô giáo thiết kế và tạo ra. Có lẽ, chỉ có những người thật sự yêu trẻ và hiểu được sở thích, cũng như quá trình phát triển của trẻ nhỏ mới có thể sáng tạo ra những chiếc ghế hình chú gấu trúc với những kích thước phù hợp với từng lứa tuổi, chiếc giá phơi khăn, mũ xinh xắn, hay cả những góc thư viện phiên bản mini của các em bé mẫu giáo cũng đc chính các cô bày tiện, sắp xếp.


Tôi có hỏi cô giáo rằng: Ở lớp, cô có dạy các em học chữ, hay cách tính toán đơn giản để chuẩn bị hành trang cho các em vào cấp 1 hay không? Câu trả lời của cô giáo làm tôi rất bất ngờ, rằng ở trường các cô không dạy em bảng chữ cái hay chữ số, chỉ là sẽ tạo cho các em môi trường để học một cách tự nhiên nhất, không ép buộc. Những đồ vật các được trang trí trong nhà mẫu giáo cũng đã tự nhiên mang đến cho các em hứng thứ học tập theo bản năng. Phải chăng, đó là bí quyết dạy trẻ học của người Nhật, vừa học vừa chơi, vừa tạo cho trẻ hứng thú để khám phá, tìm hiểu mọi thứ xung quanh bằng chính những gì các em được thấy hàng ngày, và trẻ sẽ học được những điều không chỉ bổ ích không đơn thuần là bảng chữ cái hay những con số, mà là học cách quan sát tự nhiên, cách học hỏi ở mọi môi trường.

 

Tại cơ sở mẫu giáo của Trường Đại học Seitoku, các em nhỏ còn có một khoảng đất trống để vui chơi, để được hòa mình vào với thiên nhiên. Phương châm giáo dục trẻ toàn diện ngay từ nhỏ, nhưng lại cho trẻ tự phát triển theo khả năng, tự do chơi đùa, thỏa sức sáng tạo, học hỏi thông qua những trải nghiệm thực tế làm cho tôi rất thán phục. Tôi đã thực sự được mở mang tầm mắt về hệ thống giáo dục mầm non tại đây. Mong sao, trong tương lai, tại Việt Nam, chúng ta sẽ mở được những ngôi trường mầm non đạt chuẩn quốc tế như thế này, học hỏi được phương pháp dạy dỗ trẻ một cách khoa học nhất, tiến bộ nhất, vì trẻ em chính là những mầm non tương lai của đất nước.


Chăm sóc trẻ nhỏ là công việc tuy vất vả nhưng thật sự rất ý nghĩa khi ngày ngày được vui chơi, được dạy dỗ các em trưởng thành mỗi ngày. Khâm phục phương pháp giáo dục mầm non tại Nhật Bản bao nhiêu, tôi lại càng thấy thương mến hơn những cô giáo mầm non luôn kiên nhẫn dạy dỗ, ân cần chăm sóc các em. Luôn nở nụ cười tươi trên môi, luôn nhẹ nhàng chỉ bảo và cỗ vũ các em. Chưa bao giờ tôi lại cảm nhận được tầm quan trọng cũng như sự đáng quý của nghề giáo mầm non như thế. 

 

Có lẽ hiểu hơn hết tầm quan trọng của công tác dạy dỗ trẻ mầm non, Trường Đại học Seitoku rất chú trọng đến việc đào tạo những giáo viên mầm non tương lai sự yêu trẻ, cách sáng tạo ra những sản phẩm thủ công gây thích thú với trẻ nhỏ cũng như phương pháp chăm sóc trẻ nhỏ ở mọi lứa tuổi.


Khác với một Seitoku với phương châm tạo ra ngôi nhà sáng tạo, vui chơi hòa với thiên nhiên cho trẻ thì tại nhà trẻ Global Kid lại cho tôi thấy được môi trường nuôi dạy trẻ an toàn là phương châm quan trọng nhất. Đặc biệt, tại đây , họ bắt đầu nuôi dạy từ 0 tuổi,. Hoàn toàn bất ngờ, theo lẽ thông thường, trẻ sơ sinh thì điêu tốt nhất cho chúng là được ở bên cạnh mẹ, thế nhưng những gì mà Globak Kid mang đến là sự chăm sóc một cách an toàn, khoa học đặc biệt để những bà mẹ có thể yên tâm gửi gắm con mình tại đây. Không phải tự nhiên mà người ta lại tin tưởng gửi gắm con mình cho một nhà trẻ khi con còn nhỏ như thế, chính uy tín nhiều năm trong việc nuôi dạy dạy trẻ của một tập đoàn có nhiều năm kinh nghiệm giữa trung tâm Tokyo này đã tạo được niềm tin cho nhiều gia đình Nhật Bản  đã không phải dở dang công việc của mình mà vẫn luôn chăm sóc và theo dõi con mình được. Đến thăm nhà trẻ của Global Kid, tôi mới thật sự hiểu được cách mà họ tạo niềm tin cho các bậc cha mẹ, từ cách chọn chất liệu nền nhà làm sao cho trẻ không bị thương cho đến hệ thống cửa an ninh chỉ có giáo viên phụ trách lớp mới có thể ra vào, từ cách nghiên cứu chế độ dinh dưỡng cũng như quy trình chế biến đặc biệt an toàn hợp vệ sinh , đảm bảo cho trẻ nhỏ sự an toàn tuyệt đối. Hệ thống chăm sóc trẻ nhỏ của Global Kid yêu cầu tỉ mỉ, an toàn từ những điều nhỏ nhất, đến cả phương pháp giáo dục cũng rất đặc biệt.

Các em nhỏ còn được tham gia lớp học bơi ngay từ khi còn nhỏ, học cách tự chọn, thay quần áo khi đi bơi; được vui chơi trong nhà thể chất được thiết kế như những sân vận động thi đấu ngoài trời cho các em được thỏa sức vui chơi trong giới hạn an toàn.

Qua hành trình khám phá tại 2 cơ sở giáo dục mầm non nổi bật ở Nhật Bản là hệ thống mầm non trường Seitoku và tập đoàn Global Kid, tôi dường như đã học hỏi, và mở mang được rất nhiều điều. Các trường mầm non tại Nhật Bản, dù có được thiết kế theo mô hình nào đi chăng nữa, cho trẻ thỏa sức vui chơi hay cách chăm sóc sẻ an toàn thì cũng là nơi để những bậc cha mẹ yên tâm gửi gắm con mình. Nơi đây, trẻ học được nhiều điều như sự tự lập, tinh thần kiên cường vượt qua khó khăn, tình đoàn kết với bạn bè, phát triển khả năng khám phá, tìm tòi, học hỏi, và quan sát sự vật xung quanh. Và sự kết hợp giữa nhà trường và gia đình là yếu tố đặc biệt quan trọng, không thể thiếu được trong quá trình nuôi dạy trẻ tại Nhật Bản. Nhà trường là nơi khơi gợi trong các em những cá tính riêng của mình, cha mẹ là luôn đồng hành, theo sát từng bước phát triển của các em.

Có lẽ, chính những điều đặc biệt như thế mà nền giáo dục tại Nhật được cả thế giới biết đến và khâm phục. Nhìn lại nền giáo dục đang có những báo động tại nước nhà, mong sao, trong tương lai, chúng ta sẽ học hỏi được những bí quyết , những mô hình giáo dục trẻ nhỏ của những chuyên gia giáo dục Nhật Bản để tái thiết lại nền giáo dục mầm non tại Việt Nam. Sau khi được trải nghiệm thực tế tại cơ sở mầm non Trường Seitoku và global kid, tôi nhận ra mình càng có hứng thú hơn với nền giáo dục trẻ nhỏ. Trong tương lai, tôi muốn mình góp một phần nhỏ để trở thành cầu nối hữu nghĩ giữa hai quốc gia Việt Nam  - Nhật Bản , có thể học hỏi được những phương pháp giáo dục khoa học của Nhật Bản để áp dụng vào hệ thống trường học tại Việt Nam, để nền giáo dục nước nhà phát triển hơn nữa.